Thursday 16 July 2009

Người Khách Trọ một đêm

Đám mây đen bao trùm thung lũng Greenbriar báo hiệu cơn mưa to sắp đến. Lúc ấy, tôi đang lội đến khu nuôi gia súc sình lầy mà trận mưa ngày hôm qua đã để lại. Hướng nhìn ra đường về phía khúc quanh của thung lũng, tôi thấy một chiếc xe hơi đậu gần góc đồng cỏ.
Chiếc xe đang gặp vấn đề, vậy mà người lái xe mặc đồ bảnh bao lại chịu dầm mưa để sửa hay sao. Thỉnh thoảng tôi lại để ý nhìn, biết rõ cậu ta chẳng rành xe cộ gì cả; vì tôi thấy cậu ấy cứ chạy từ đầu xe rồi quay lại chỗ ngồi để nổ máy thử, rồi chạy trở lại đầu xe.
Dọn dẹp xong chuồng trại, tôi đóng cửa thì trời cũng gần tối, mà chiếc xe vẫn còn nằm ở đó. Cảm thấy tội nghiệp, tôi cầm đèn pin đi ra đường. Cậu ta hơi giật mình khi trông thấy tôi và càng tỏ vẻ lo lắng hơn khi biết tôi định giúp. Chiếc xe của cậu ấy giống xe tôi, nhưng mới hơn. Chỉ cần vài phút là tôi biết xe bị hư cái gì.
"Này, cậu ơi, vấn đề chính là cái ống xoắn ruột gà đó!".
Cậu ta vội đáp: "Không thể như vậy được. Cháu vừa mới thay nó cách đây một tháng thôi!".
Cậu ta trông rất trẻ, chỉ khoảng 21 tuổi là cùng. Giọng cậu ta run như đứa bé muốn khóc.
"Chú ơi, nhà cháu còn xa lắm, mà trời lại đổ mưa nữa. Cháu phải về liền, sợ ba má cháu mong", giọng thằng bé sụt sùi.
"Này, cháu biết không, ống xoắn ruột gà kỳ lắm. Lắm lúc nó có tuổi thọ dài, nhưng đôi khi nó chỉ xài được vài tiếng đồng hồ thôi. Chú sẽ lấy ngựa kéo xe về trại của chú để tìm xem có cách gì giúp cháu được không. Có thể lấy ống xoắn ruột gà của xe chú để thử, nếu máy xe nổ, cháu chỉ cần đến tiệm ở dưới cái dốc kia để mua một cái khác".
Tôi "chẩn bệnh" thật tuyệt vời, rất chính xác. Vì khi lấy ống xoắn ruột gà của xe tôi thay vào, xe cậu ta nổ máy liền, nghe êm ru như xe mới.
Tôi cười khoái chí: "Xong rồi, bây giờ chúng ta đi đến tiệm ông Bill David để mua một cái ống xoắn mới là cháu lái xe về nhà được liền. Đợi chú báo cho bà xã một tiếng nhé".
Đến tiệm của David, tôi nhận thấy thằng bé có vẻ hơi kỳ quặc. Nó đậu xe ở góc tối phía sau tiệm mà không chịu vào tiệm để mua. Nó nói: "Cháu ướt và lạnh quá. Chú vào mua giùm cháu, đây là mười đô ạ".
Về nhà, chúng tôi vừa thay ống xoắn thì con gái nhỏ của tôi là Linda chạy ra nói: "Ba ơi, mẹ mời ba vào ăn tối". Rồi nó quay qua nói với cậu thanh niên: "Mẹ bảo anh nhân tiện vào ăn luôn".
"Ồ, không thể được. Anh không thể làm phiền cha mẹ em nuôi cơm anh. Anh phải về thôi", cậu ta tỏ ý cương quyết không nhận lời.
Tôi nài nỉ: "Cháu đừng khách sáo như thế. Bữa cơm không tốn thời gian lâu đâu. Mà từ xưa đến giờ, bà xã chú không chịu để khách ra về với cái bụng đói. Cháu không muốn bà ăn vạ trước xe cháu chứ?".
Mặc dù thằng bé nhất định từ chối, nhưng nó vẫn đi vào nhà với chúng tôi. Trong cái cách thằng bé từ chối ăn cơm, ngoài việc tỏ vẻ lễ phép và khách sáo, tôi cảm thấy còn có cái gì đó. Trong bữa ăn, cậu ta có vẻ sốt ruột và chỉ ăn lấy lệ. Điều này làm bà xã tôi không vui, vì vợ tôi là người nấu ăn giỏi nhất ở bang này và bà cũng tự hào về việc này lắm.
Ăn xong, thằng bé đứng dậy, xin phép đi ngay. Nhưng vợ tôi đã bảo: "Cháu coi kìa!", vừa nói bà vừa nhìn tôi như đợi tôi nói theo. "Trời đang mưa tầm tã. Áo quần cháu sũng ướt, chắc chắn sẽ bị cảm lạnh và cô biết cháu đang rất mệt vì lái xe cả ngày rồi. Tốt nhất là ở lại nghỉ đêm với cô chú đêm nay, rồi sáng mai hãy đi".
Thằng bé bằng lòng một cách miễn cưỡng. Jane đưa cậu ta vào phòng ngủ và giúp cậu hong khô quần áo. Sáng hôm sau, vợ tôi ủi đồ và dọn cho cậu bữa điểm tâm thiệt ngon. Cậu ta ăn một cách ngon lành, trông có vẻ bình tĩnh hơn đêm hôm qua. Khi từ giã, cậu bé cám ơn chúng tôi với vẻ mặt bối rối.
Điều kỳ lạ là tối hôm trước, cậu ta đi từ hướng thung lũng ra thành phố; nhưng bây giờ, cậu đi hướng ngược lại, đi về hướng Bắc đến tỉnh lân cận. Vợ chồng tôi thắc mắc mãi điều này, nhưng tôi nghĩ rằng có thể là cậu bé đi lộn đường.
Thời gian trôi qua, chúng tôi chẳng có tin tức gì của thằng bé. Thật sự chúng tôi đã quên chuyện đó. Ngày qua tháng lại, cuộc khủng hoảng kinh tế chấm dứt và chiến tranh cũng kết thúc. Con gái tôi, Linda lớn lên và lập gia đình. Cuộc sống trong nông trại tôi cũng khác ngày xưa. Vợ chồng tôi sống thoải mái, yên tĩnh trong vùng thung lũng đáng yêu này.
Một hôm tôi nhận được bức thư từ Chicago gởi đến. Một lá thư cá nhân với giấy viết thư đắt tiền. "Ai từ Chicago mà viết thư cho tôi nhỉ", tôi thầm nghĩ khi mở thư ra.
"Thưa chú Mc Donald,
"Chắc là chú không còn nhớ thằng bé mà chú từng giúp đỡ lâu rồi khi xe cháu bị hư. Lâu lắm rồi chú nhỉ, nhưng cháu có thể hình dung ra tấm lòng nhân ái của vợ chồng chú, hẳn là chú và vợ chú đã giúp đỡ rất nhiều người. Tuy nhiên, cháu dám chắc rằng chưa có ai được chú giúp giống như cháu đâu. Chú thắc mắc lắm nhỉ. Chuyện như thế này, chú ạ.
"Thưa chú, đêm hôm đó cháu đang chạy trốn, vì đã lấy cắp số tiền rất lớn của ông chủ cháu và số tiền đó đang ở trong xe cháu. Nhưng cha mẹ cháu là người đàng hoàng và gia giáo mới kẹt chứ. Cháu đã quên lời dạy của cha mẹ, mới đi lầm đường. Cháu đã phạm lỗi lầm rất lớn.
"Nhưng chú và cô đã đối xử quá tốt với cháu. Ở lại nhà chú đêm đó, cháu đã nhận ra sai lầm của mình. Chưa tới sáng, cháu đã biết mình phải làm gì. Sáng hôm sau, cháu trở về trả số tiền đó cho ông chủ với lời thú nhận tội lỗi và tùy ông xử sao cũng được.
"Ông chủ cháu có thể thưa cháu và bỏ tù cháu, nhưng ông lại là người độ lượng. Ông cho cháu làm việc như trước. Từ đó, cháu không bao giờ đi sai hướng nữa. Hiện nay, cháu đã lập gia đình và có được hai đứa con ngoan. Cháu đã nỗ lực làm việc và đạt được vị trí tốt trong công ty. Cuộc sống của cháu khá đầy đủ.
"Cháu có thể đền đáp thật xứng đáng cái ơn lớn về những gì mà chú đã mang đến cho cháu. Nhưng cháu biết chú không cần những thứ ấy. Vì thế cháu đã dành một số tiền để gây quỹ giúp đỡ những người đã lỡ phạm sai lầm như cháu, để họ có cơ hội quay về con đường thiện. Với việc này, cháu hy vọng chuộc lại lỗi lầm xưa kia của mình. Cầu ơn trên phò hộ cho chú và người vợ tuyệt vời của chú; cô đã giúp đỡ cháu nhiều hơn chú biết".
Đọc thư xong, tôi đưa thư cho Jane xem và bà xã tôi đã đọc lá thư với hai hàng nước mắt long lanh. Để lá thư trên bàn, Jane nói với nét mặt nghiêm trang :
"Tôi lạc lối, anh cho tôi nương tựa
Tôi đói lả, anh cho tôi ăn
Tôi ở trong tù, anh đến thăm tôi".
Một người nào đó đã nói một câu rất hay: "Không có một hành động tốt nào, dù nhỏ đến đâu bị xem là dư thừa".
st

Ly và Nước

Ly nói: "Tôi cô quạnh quá, tôi cần Nước, cho tôi chút nước nào!"
Chủ hỏi: "Được, cho ngươi nước rồi, ngươi sẽ không cô quạnh nữa phải không?"
Ly đáp: "Chắc vậy!"
Chủ đem Nước đến, rót vào trong Ly.
Nước rất nóng, Ly cảm thấy toàn thân mềm nhũn, rụng rời, tưởng như sắp tan chảy đến nơi. Ly nghĩ, đây chắc là sức mạnh của tình yêu.
Một lát Nước chỉ còn âm ấm, Ly cảm thấy dễ chịu vô cùng. Ly nghĩ, đây chính là mùi vị của cuộc sống.
Nước nguội đi, Ly bắt đầu sợ hãi, sợ hãi điều gì chính Ly cũng không biết. Ly nghĩ, đây chính là tư vị của sự mất mát.
Nước lạnh ngắt, Ly tuyệt vọng. Ly nghĩ, đây chính là “an bài” của duyên phận.
Ly kêu lên: "Chủ nhân, mau đổ nước ra đi, tôi không cần nữa!"
Chủ không có đấy. Ly cảm thấy nghẹt thở. Nước đáng ghét, lạnh lẽo quá chừng, ở mãi trong lòng, thật là khó chịu.
Ly dùng sức lay thật mạnh. Ly chao mình, Nước rốt cục cũng phải chảy ra. Ly chưa kịp vui mừng, thì đã ngã nhào xuống đất.
Ly vỡ tan. Trước lúc chết, Ly nhìn thấy, mỗi mảnh của Ly, đều có đọng vết Nước. Lúc đó Ly mới biết, Ly yêu Nước, Ly thật sự rất yêu Nước. Nhưng mà, Ly không có cách nào để đưa Nước, nguyên vẹn, trở vào trong lòng được nữa.
Ly bật khóc, lệ hoà vào với Nước. Ly đang cố dùng chút sức lực cuối cùng, yêu Nước thêm lần nữa.
Chủ về. Ông ta nhặt những mảnh vỡ, một mảnh cứa vào ngón tay, làm bật máu ra.

Ly cười, tình yêu, rút cuộc là gì, lẽ nào phải trải qua đau đớn, mới biết trân trọng?

Ly cười, tình yêu, rút cuộc là gì, lẽ nào phải mất hết tất cả, không còn cách gì cứu vãn mới chịu buông xuôi?

(Sưu tầm )

Có răng rồi mới rứa - Thơ Huế

Người ở mô răng mà kỳ lạ rứa
Giờ ra chơi cứ ngó miết người ta
Và reo lên khi thoáng thấy đi qua
Tụi bạn tưởng "có răng rồi mới rứa"
Thôi từ đây không qua bên nớ nữa
Cho anh chàng cứ đứng ở hành lang
Ngâm ca câu "hoa cúc áo vàng"
Và tương tự, chàng tập làm thi sĩ

Người ở mô mà vô duyên rứa hỉ
Trao phong bì rồi hấp tấp bỏ đi
Ờ thương thương, nhớ nhớ làm chi
Về ba mạ biết như ri la chết
Mắc cớ chi theo người ta cho mệt
Người răng mà ưa lẽo đẽo làm đuôi
Lỡ một lần như rứa cũng vui vui
Nhưng ngày mai, thôi đừng theo nữa hí!

(Sưu tầm)