Friday 9 October 2009

Chiếc băng gạc cho trái tim tan vỡ

- Mẹ, mẹ đang làm gì thế ? Cô bé Susie chỉ mới 6 tuổi hỏi mẹ.
- Mẹ đang nấu món thịt hầm cho cô Smith hàng xóm.
- Vì sao ạ ? - Susie thắc mắc.
- Vì cô Smith đang rất buồn con ạ. Con gái cô ấy vừa qua đời và trái tim cô ấy đang tan nát. Chúng ta sẽ chăm sóc cô ấy một thời gian - bà mẹ dịu dàng trả lời.
- Tại sao lại thế hả mẹ ? - Susie vẫn chưa hiểu.
- Thế này nhé con yêu, khi một người rất buồn, họ sẽ không thể làm tốt ngay cả những việc rất nhỏ như nấu bữa ăn tối hay một số việc vặt khác. Vì chúng ta cùng sống trong một khu phố và cô Smith là hàng xóm của gia đình mình, chúng ta cần phải giúp đỡ cô ấy. Cô Smith sẽ không bao giờ còn có thể nói chuyện, ôm hôn con gái cô ấy hoặc làm bất cứ điều gì thú vị mà mẹ và con có thể làm cùng nhau. Con là một cô bé thông minh Susie. Có thể con sẽ nghĩ ra cách nào để giúp đỡ cô ấy.

Susie suy nghĩ rất nghiêm túc về những điều mẹ nói và cố gắng tìm cách góp phần giúp đỡ cô Smith. Vài phút sau, Susie đã ở trước cửa nhà cô Smith, rụt rè bấm chuông. Mất một lúc lâu cô Smith mới ra mở cửa : "Chào Susie , cháu cần gì ?". Susie cảm thấy giọng cô Smith rất nhỏ, khuôn mặt cô trông rất buồn rầu, như thể cô vừa khóc vì mắt cô hãy còn đỏ mọng nước.

"Mẹ cháu nói con gái của cô vừa qua đời và cô đang rất buồn vì tim cô bị thương - Susie e dè xòe tay ra. Trong lòng bàn tay của cô bé là một chiếc băng gạc cá nhân - Cái này để băng cho trái tim của cô ạ". Như để chắc chắn, Susie nói thêm: "Cháu đã dùng vài lần và nó rất tốt". Cô Smith há miệng kinh ngạc, cố gắng không bật khóc. Cô xúc động quỳ xuống ôm chặt Susie, nghẹn ngào qua làn nước mắt : " Cảm ơn, cháu yêu quý, nó sẽ giúp cô rất nhiều".

Chiếc băng gạc nhỏ bé nhưng kỳ diệu của Susie đã đem đến sự ấm áp cho trái tim tuyệt vọng của cô Smith. Kể từ đó cô gài chíếc băng gạc vào một xâu chìa khoá nhỏ và luôn mang theo bên mình như một sự nhắc nhở phải quên đi nỗi đau và mất mát.

Khi phải chịu đựng một nỗi đau quá lớn thật không dễ để nhận ra ngay rằng vết thương ấy rồi cũng sẽ lành. Chiếc băng gạc nhỏ bé của Susie đã trở thành biểu tượng của sự hàn gắn nỗi đau và biến tất cả niềm vui, tình yêu, hạnh phúc cô đã có cùng con gái trở thành những kỷ niệm êm đềm dịu ngọt chứ không phải một gánh nặng đeo vào tâm hồn suốt cuộc đời.

Con Búp bê và cành hoa hồng

Tôi đi vòng trong một tiệm Target và chứng kiến cảnh người thu-ngân đang trao lại một số tiền cho cậu bé. Cậu chỉ độ 5 hay 6 tuổi.
Người thu- ngân nói, “Rất tiếc là em không có đủ tiền để mua con búp-bê này”.
Đoạn cậu bé quay sang bà cụ đứng cạnh: “Bà à, bà có chắc là con không có đủ tiền không, bà?”
Bà cụ đáp: "Con à, con biết là con không có đủ tiền để mua con búp-bê này mà”.
Rồi bà cụ bảo cậu bé cứ đứng đó chừng 5 phút để bà đi một vòng trong tiệm. Rồi bà lẩn đi ngay.
Cậu bé vẫn cầm con búp-bê trong tay.
Cuối cùng , tôi bước đến cậu bé và hỏi là cậu muốn tặng con búp-bê này cho ai.
“Đây là con búp bê mà em gái của con yêu thích lắm và ước ao có được trong Giáng Sinh này. Em ấy tin là Ông già Noel sẽ mang quà này lại cho em ấy.”
Tôi trả lời cậu bé rằng “thế nào Ông già Noel rồi cũng sẽ mang lại cho em con, con đừng lo.”
Nhưng cậu trả lời buồn bã. “Không, Ông già Noel không mang đến chỗ em đang ở được. Con phải trao con búp-bê này cho mẹ con, rồi mẹ con mới có thể trao lại cho em con khi mẹ đến đó.”
Đôi mắt cậu bé thật buồn khi nói những lời này.
“Em con đã trở về với Chúa. Ba con bảo là mẹ cũng sắp về với Chúa, bởi vậy con nghĩ là mẹ có thể mang con búp-bê này theo với mẹ để trao lại cho em con.”
Tim tôi như muốn ngừng đập.
Cậu bé nhìn lên tôi và nói: “Con nói với ba là hãy bảo mẹ đừng có đi vội. Con muốn mẹ con hãy chờ con đi mall về rồi hãy đi.”
Rồi cậu lấy ra cho tôi xem một tấm ảnh trong đó cậu đang cười thích thú.
“Con muốn mẹ mang theo tấm ảnh này của con để mẹ sẽ không quên con.
Con thương mẹ con và mong ước mẹ không phải bỏ con để đi, nhưng ba con nói là mẹ phải đi để ở cạnh em của con.”
Rồi cậu lặng thinh nhìn con búp-bê buồn bã.
Tôi vội vàng tìm ví bạc trong túi và nói với cậu bé: “hãy thử coi lại xem, biết đâu con lại có đủ tiền mua con búp-bê này thì sao!”
“Dạ”, cậu bé đáp, “con mong là có đủ tiền”. Không cho cậu bé thấy, tôi kẹp thêm tiền vào mớ tiền của cậu bé, và chúng tôi cùng đếm. Chẳng những đủ số tiền cho con búp-bê mà còn dư thêm một ít nữa.
Cậu bé nói: “Cảm ơn Chúa đã cho con đủ tiền!”
Rồi cậu nhìn tôi và nói thêm, “tối qua trước khi đi ngủ, con đã hỏi xin Chúa hãy làm sao cho con có đủ tiền để mua con búp-bê này để mẹ con có thể mang đi cho em con. Chúa đã nghe lời cầu xin của con rồi..”
“Con cũng muốn có đủ tiền mua hoa hồng trắng cho mẹ con, nhưng không dám hỏi Chúa nhiều. Nhưng Ngài lại cho con đủ tiền để mua búp-bê và hoa hồng trắng nữa..”
“Mẹ con yêu hoa hồng trắng lắm.”
Vài phút sau bà cụ trở lại, và tôi cũng rời khỏi tiệm.
Tôi làm xong việc mua sắm trong một trạng thái hoàn toàn khác hẳn với khi bắt đầu vào tiệm. Và tôi không thể rứt bỏ hình ảnh của cậu bé ra khỏi tâm trí tôi.
Đoạn tôi nhớ lại một bài báo trong tờ nhật báo địa phương cách đây hai hôm. Bài báo viết về một tài xế say rượu lái xe vận tải đụng vào xe của một thiếu phụ và một bé gái nhỏ.
Đứa bé gái chết ngay tại hiện trường, còn người mẹ được đưa đi cứu cấp trong tình trạng nguy kịch. Gia đình phải quyết định có nên rút ống máy trợ-sinh khỏi bệnh nhân hay không vì người thiếu phụ này không còn có thể hồi tỉnh ra khỏi cơn hôn mê.
Phải chăng đấy là gia đình của cậu bé?
Hai ngày sau khi gặp cậu bé, tôi đọc thấy trên báo là người thiếu phụ đã qua đời. Tôi bị một sự thôi thúc và đã mua một bó hoa hồng trắng và đi thẳng đến nhà quàn nơi tang lễ của người thiếu phụ đang diễn ra và mọi người đến nhìn mặt người quá cố lần cuối cùng.
Cô nằm đó, trong cỗ áo quan, cầm trong tay một cành hồng màu trắng với tấm ảnh của cậu bé và con búp-bê được đặt trên ngực của cô.
Tôi rời nơi đó, nước mắt đoanh tròng, cảm giác rằng đời tôi đã vĩnh viễn thay đổi. Tình yêu của cậu bé dành cho mẹ và em gái cho đến ngày nay thật khó mà tưởng tượng. Và chỉ trong một phần nhỏ của một giây đồng hồ, một gã lái xe say rượu, hay người lái xe bất cẩn, đã lấy đi tất cả những gì thân thiết nhất của đời cậu.

Nhật ký người già

Ông ơi, đi ăn cơm đi, tôi mệt, nằm một lát. Ông cứ chờ vậy trẻ nhỏ lại cười bảo già rồi mà còn mùi mẫn. Con ép, ông đừng cáu nhé, cứ nói nhỏ nhẹ bố ăn đủ rồi. Nó ép mình ăn là lo đến sức khỏe của mình, là thương mình. Cứ tưởng tượng chúng nó không màng mình no đói ra sao hay thảy vào viện dưỡng lão toàn người xa lạ thì còn buồn biết mấy hả ông.

Lát nữa tôi giấu ít quả nho. Ông bị cấm đủ thứ tội quá, nó bảo nho có nhiều đường ông à. Mà từng tuổi này rồi, chết nay sống mai biết ngày nào, kiêng cử quá cũng khổ. Mỗi lần dấm dúi chùm nho, ông mừng như con nít thấy thương quá, muốn khóc luôn. Trong ngăn đồ lót cũng còn một ít kẹo trái cây, thèm thì ăn vài cái thôi. Giấy gói kẹo bỏ lại trong bao, chiều mai tôi đem bỏ vào thùng rác công viên. Gớm, cứ phải ăn vụng. Chúng nó biết thì la tôi chết. Mà chẳng sao, miễn là ông vui. À áo ông đang bận dính kem bánh ngọt từ chiều hôm kia, thay đi kẻo lại thưa ông tui ở bụi này. Hồi trưa nghe trẻ bàn nhau may áo, cả cho ông nữa đó. Thiệt tình, tủ nào cũng treo nghinh ngang mà cứ may hoài. Trẻ nhỏ về đông đủ vui thì có vui, mà mệt, điện thoại reo liên miên, chúng nó nhỏ to nhiều quá. Muốn nghỉ ngơi cũng chẳng yên. Nãy giờ bảo mẹ mệt, bây bớt lao xao cho mẹ nghỉ một tí, vậy mà chúng cứ tới lui ra vào coi mẹ mệt ra sao. Già cả thì nay mệt mai khỏe là chuyện thường, nói vậy mãi nó vẫn tra hỏi, lo lắng khóc nữa chứ! Thật dở hơi.

Bà nói hơi mệt nghỉ một lát rồi ăn cơm sau, mà cứ nằm mãi, tôi hiểu là bà mệt nhiều, vì nếu lười thì bà đã nói lười. Tôi không thấy đói, chẳng muốn ăn. Bữa cơm không có bà lại càng không tha thiết nữa. Chúng nó hùa nhau cằn nhằn bà ạ. Rồi chắc tội nghiệp ông già, lại dỗ dành. Tôi vẫn ngồi cạnh bà, hơi thở bà mong manh quá, nhẹ như không, đặt bàn tay gần chẳng thấy gió. Nhớ mỗi lần đi biển bà thường nhắc hít thở đi ông, hít sâu vô. Và mình cùng hít ồn ào, như thể bù lại những giờ phút giam mình trong nhà hay đã tiêu phí thời gian thở không đúng cách. Những lúc đó tôi có cảm tưởng buồng phổi nở ra, căng lên, mạnh mẽ. Bây giờ lại thấy yếu hẳn đi, như thể ai đã hút hết sinh lực mình rồi, và tôi thở khó khăn, ngắt quãng. Tôi muốn mình lại ra biển cho bà hít thở. Ờ, phải chi tôi có thể hít thở cho bà để bà bớt mệt. Tôi chưa thay áo, chẳng đứa nào để ý đến tôi bằng bà đâu. Mắt bà không xoi mói mà tinh, thấy hết. Tôi cũng không ăn vụng kẹo. Có bà thì bất cứ sự vụng trộm nào cũng vui, mình chỉ mỉm cười với nhau là điều gì cũng thành trò chơi bí mật mà ngay tình. Giờ không cầm viên kẹo từ tay bà dấm dúi thì như tôi gian lận cái gì. Tôi không thèm ngọt đâu, bà đừng lo. Tôi thèm ngồi nhìn bà im lìm…Bà ơi, nói gì đi!

Ðêm qua tôi khó ngủ ông ạ. Trằn trọc mãi. Rồi chợp mắt lại mơ thấy mình bay lên trần nhà, nhìn xuống ông ngủ mà mặt mày không thư dãn chút nào. Có lúc ông nấc cụt hay khóc ấm ức. Tôi vội vàng đáp xuống ôm chặt ông như mỗi lần một trong hai đứa mình giật mình trong đêm. Thấy ông nhăn nhó, lại sợ ôm chặt quá ông tỉnh ngủ, tôi buông ông ra, rồi tỉnh dậy. Tôi rón rén ra nhà ngoài, trẻ con nằm la liệt. Tôi đi một vòng hôn đám cháu nội ngoại đang say ngủ, đứa nào trông cũng bình an. Con TiTi ôm chú sư tử mình mua cho nó hôm sinh nhật. Ông đừng buồn, trẻ con mà, nó thích chạy chơi chớ có thích ngồi nghe mình kể chuyện đâu ông. Sách truyện đầy nhà, đêm nào trước khi ngủ bố mẹ cũng đọc cho nghe, toàn chuyện công chúa hoàng tử hoặc các nhà thám hiểm cực Bắc cực Nam, chuyện của mình thì từ thuở ở quê, nó có hiểu “tát nước ruộng” hay “nơm tôm” là gì, giải thích chúng cũng không hình dung ra được, nhất là mình kể đôi khi cũng chẳng đầu đuôi mạch lạc gì…

Tôi trở về phòng khe khẽ nằm xuống cạnh ông, hít mùi da thịt ông lười tắm mà vẫn thơm tho. Ðúng là vợ chồng quen hơi ông nhỉ. Tôi hôn nhẹ lên trán, tựa đầu lên vai và đan tay ông. Mình luôn luôn đan tay nhau khi ngủ mà. Tôi kéo áo và sửa lại chiếc gối ngay ngắn cho ông. Ông có giấc ngủ sâu, thường bảo “giấc ngủ của người ngay thật”, làm gì cũng chẳng thức. Qua ánh đèn hành lang rọi vào, tôi nhìn ông thật kỹ, từng nét. Người ta bảo nếu nhìn kỹ người thân mình sẽ không nhận ra người ấy nữa. Vậy mà tôi vẫn nhận ra ông, vì tôi thường nhìn mỗi khi ông ngủ. Không biết ông có nhìn khi tôi ngủ không, chớ càng nhìn càng thương ông ạ.. Tôi thấy rõ từng nếp nhăn, mỗi ngày một nhiều và sâu, nó như sợi thừng cột vợ chồng già mình mỗi lúc một chặt hơn. Cái đầu đó chịu đựng hết những lúc trái tính dở hơi của tôi. Nhớ thời còn trẻ mỗi lần ông ăn nói vụng về, nháy nhó ra dấu cho ông im lại cứ hỏi to lên em muốn nói gì, vậy là nháy nhó chẳng còn hiệu lực gì nữa. Tôi thường mong ông đi trước, tôi lo mọi thứ cho đầy đủ, và tôi xoay sở được. Còn ông thì vụng về. Trẻ nhỏ cứ nói bố không biết làm gì hết mà nói không chịu nghe. Nghĩ đến ngày lỡ ra tôi đi trước, còn ông một mình tội quá…

Bà à, lạ lùng nhỉ, đêm qua tôi thấy mình về quê. Làng xưa có khác đi nhiều nhưng ruộng đồng vẫn còn bao la tít tắp. Con đường nhỏ dẫn vào làng bây giờ đã tráng nhựa, rộng rãi. Chiếc cầu tre dập dềnh bắt qua sông đã thành cầu đá tự thuở nào, và nước sông thì trong veo thấy đáy. Mình vào làng, trẻ nhỏ chạy theo như rước đèn. Cả xóm rộn rã hẳn lên. Bà nói vui quá, chứng tỏ là hàng họ còn nhớ nghĩ đến mình. Qua cánh cổng gỗ đã mục sứt mẻ nhiều chỗ, cánh cổng nặng trịch chắc chắn mà hồi xưa mỗi lần mở ra đóng vào kêu vang cả xóm lặng yên, xuyên hết mảnh vườn, mình cùng hân hoan như trẻ nít chạy ngay vào hiên có cậu mợ đứng chờ. Ai cũng có vẻ tráng kiện trẻ trung. Mợ mặc áo bà ba màu kem nhạt bà mua hồi Tết năm sinh mẹ con TiTi, và cậu trong chiếc áo dài the đen nói sắp đi ăn cỗ. Tôi lại đòi đi theo mà cậu không cho, cười nhạo tôi như đám con thường trêu “bố giống con nít”. Nhưng mẹ và bà thì không nói gì, chỉ nhíu mắt lắc đầu nhè nhẹ. Tôi may mắn có hai người đàn bà thương yêu thông cảm. Một lát ba người nhìn nhau như ước gì riêng tư mà tôi ngoài cuộc, bà bảo “ tôi ở chơi với cậu mợ, ông về trước kẻo trẻ nhỏ nó lo”. Rồi cả ba đẩy tôi ra cổng. Tôi đi, ngoái lại thấy bà nhìn theo buồn thiu, bà nhỏ nhắn lọt thõm giữa cậu mợ. Tự nhiên tôi khóc, thiếu bà dù chỉ đoạn đường rất ngắn cũng là diệu vợi…Tôi la to lè lẹ mai mốt về nghe bà. Rồi tôi giật mình thức dậy, dưới bóng đèn mờ bà cựa mình rên khe khẽ, tôi kéo chăn ngay ngắn cho bà. Trẻ nhỏ bàn ra tán vào cái gì, vẻ bí mật như chuyện quốc gia đại sự. Tôi hỏi có chuyện gì không, đứa nào cũng lắc đầu nói không. Bà chỉ bịnh nằm đó mà tôi đã thấy không còn phương hướng nữa.. Hồi chiều mấy đứa cháu đã nghịch che khuôn mặt thanh tú của bà bằng chiếc khăn thêu trắng toát…Bà ơi!

Ông ơi tôi thấy rồi. Té ra… té ra… Coi chừng, khóc thì trẻ nhỏ nó trêu cho. Nếu hồi giờ mùa đông, ông thường vào giuờng nằm trước cho ấm chỗ rồi mới để tôi vào, thì bây giờ tôi sẽ sưởi trước chăn đệm cho ông, ông nhé. Trời đất ơi. Trời đất ơi. Thương ông quá…

Bà ạ, tôi đã bảo cho bố ngồi bên mẹ lâu lâu, nhưng chúng nó kéo tay tôi ra khỏi tay bà. Người ta đến đặt bà nằm vào chiếc giường lạ hoắc, tôi hỏi bây đưa mẹ đi bịnh viện à. Thấy chưa, rõ ràng bà bịnh nhiều mà. Tại bà cứ nói để bà gánh hết bịnh hoạn của tôi luôn. Giường chật quá, tôi cố chen vào mà nào được yên lựa thế nằm cho vừa đâu, chúng nó kéo ra ngay, cho uống thuốc gì ngủ li bì không mộng mị. Khi thức dậy, nhà rộn ràng kẻ ra người vào khiến tôi chóng mặt. Chúng nó tắm táp cho tôi như con nít, bắt uống sữa và ăn. Tôi nghẹn, không nuốt được, bảo gọi mẹ xuống ăn với bố. Bà không xuống, nói đã ăn rồi. Rồi chúng nó bận áo mới cho tôi. Ai cũng mặc áo mới. Tất cả (chắc vậy) lên xe. Tôi hỏi mẹ đâu, chúng bảo mẹ ngồi xe khác rộng hơn. Xe ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo đi qua nhiều con đường lạ hoắc. Cuối cùng dừng lại. Khu vườn mênh mông với lối đi ngang dọc rộng rãi toàn cổ thụ như công viên, đẹp bà nhỉ. Chắc làm pic-nic. Xuống xe. Coi chừng trợt chân nghe bà. Con cháu mình chu đáo đem sẵn ghế cho tôi ngồi.

Tôi hỏi mẹ đâu. Mẹ đi toa lét. Lõ mõ thấy nhiều người nói gì chẳng nghe rõ, thiên hạ có vẻ nghiêm túc quá. Nắng man mác. Hoa nở tưng bừng. Vậy mà tôi mệt. Bà đi toa lét lâu nhỉ…Rồi chúng đỡ tôi đứng lên, chỉ ba bốn bước mà xa tít tắp. Trước mắt là cái hố. Tôi hỏi cái hố gì đó. Chúng bảo không có gì, bố ném nắm đất này xuống đó đi. Tôi hỏi chi vậy, chúng hỏi lại bố nhớ hồi xưa dạy chúng con hạt đất quê hương là quý lắm, phải đặt nó vào nơi nào mình tha thiết nhất, đúng không bố?...Ờ đúng.- Ðây nữa, bố thảy cành hoa này xuống hố đi. – Chi vậy con?...Hồi xưa hái hoa cho mẹ, bố thường bảo tặng nhau một cành hoa vẫn hơn nói lời nặng nhẹ, đúng không?...Ờ, mà mẹ đâu?...Mẹ chờ bố ở nhà. - Tội nghiệp, đừng để mẹ chờ lâu, mau mau cho bố về với mẹ đi con…

Paris-NT, Juillet 2009
Tác Giả : Miêng

Wednesday 7 October 2009

Mọi việc không phải luôn như chúng ta thấy

Hai thiên thần đi chu du duới hình dạng của những người nghèo khó dừng chân ở một ngôi nhà khá giả. Hai thiên thần xin gia đình kia cho ở lại nhờ qua đêm nhưng gia đình đó rất khiếm nhã, tỏ vẻ khó chịu và bảo hai thiên thần vào nhà kho mà ở. Khi hai thiên thần dọn dẹp chỗ ngủ trên sàn lạnh, thiên thần lớn tuổi hơn trông thấy một lỗ trên sàn nhà và ra tay sửa lại nó. thiên thần nhỏ hơn hỏi tại sao, thiên thần lớn trả lời : Mọi việc không phải luôn luôn như chúng ta thấy !

Đêm hôm sau, hai thiên thần lại dừng chân ở một gia đình nghèo và xin ở lại qua đêm. Hai vợ chồng bác nông dân túng thiếu về tài sản nhưng có thừa lòng hiếu khách nên đã mời hai thiên thần bữa ăn đạm bạc và mời họ ngủ trên giường.

Sáng sớm hôm sau, hai thiên thần thấy hai vợ chồng bác nông dân buồn rười rượi. Con bò duy nhất cung cấp sữa cho gia đình họ đã chết. Thiên thần nhỏ tuổi hết sức sửng sốt về việc đó và kết tội : "Gia đình thứ nhất rất giàu có thì người lại giúp họ. Gia đình này nghèo khó và hiếu khách thì ngài lại bắt con bò của họ phải chết".

"Mọi việc không phải luôn như chúng ta thấy" - Thiên thần lớn chỉ nói vậy.

Khi hai thiên thần lại tiếp tục lên đuờng, thiên thần lớn mới nói : "Khi chúng ta ở trong nhà kho của gia đình giàu có, ta để ý thấy có một kho vàng dưới cái lỗ ở nền nhà kho, nhưng chủ nhà lại thô lỗ và keo kiệt nên ta hàn cái lỗ đó lại, họ sẽ không bao giờ tìm đuợc vàng. Còn tối qua khi chúng ta đang ngủ trên giường nhà bác nông dân nghèo, thần chết đã tới và nói phải đem vợ bác nông dân đi. Ta đã đua con bò của nhà bác nông dân ra thay thế, và may mắn là thần chết đã chấp nhận con bò. Mọi thứ không phải luôn như chúng ta thấy

Vàng thật hay đồng thau?

Ngày xửa ngày xưa, bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:
“Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?”.

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: “Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng”.

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: “Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó”.

“Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì có thể xảy ra?”. Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: “Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả”.

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: “Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu”.

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: “Thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ”.

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: “Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn.

Cần có con tim để nhìn vào cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác mà chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái mà ta nghĩ là vàng hóa ra là đồng thau, nhưng thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật".

suu tam