Sunday 9 August 2009

Quán hàng phù thuỷ

Một phù thủy
Mở quán hàng nho nhỏ:
“Mời vào đây
Ai mua gì cũng có!”

Tôi là khách đầu tiên
Từ bên trong
Phù thủy ló ra nhìn:
“Anh muốn gì?”

“Tôi muốn mua tình yêu.
Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn…”

“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non
Còn quả chín anh phải trồng,
Không bán!”

Thứ quý nhất của cuộc đời

Tại một làng chài nọ, có một chàng thanh niên hiền lành và tốt bụng, làm việc rất chăm chỉ. Một hôm, trên đường về nhà, chàng lượm được một cái chai nhỏ. Vì tò mò, chàng tìm cách tháo bằng được nắp chai ra. Bất ngờ từ trong chai bay ra một làn khói trắng và vị thần khổng lồ xuất hiện.

Vị thần liền cất tiếng nói: “Đừng sợ! Ngươi là ân nhân của ta, ta cho ngươi ba điều ước. Nào! Hãy ước đi hỡi chàng trẻ tuổi”.

Ước gì nhỉ? Chàng đắn đo và trả lời: “Thần cho tôi thời gian để suy nghĩ nhé!”.

- Được thôi. Từ đây đến chiều ngươi phải nghĩ ra đấy.

Chàng đi dọc theo bãi biển và suy nghĩ. Trên đường đi chàng gặp một đám trẻ con hồn nhiên, vô tư chơi đùa say mê. Nhìn những gương mặt thiên thần, chàng thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Đi tiếp, chàng gặp một chàng trai trẻ liều mình cứu những người nghèo khổ thoát khỏi một nhóm trộm cướp. Tấm lòng nghĩa hiệp đó khiến chàng khâm phục.

Chàng lại tiếp tục đi và thấy một đám đông vây quanh một cụ già. Thì ra có một con cá voi mắc cạn trôi dạt vào bờ. Mọi người định giết nó để lấy thịt bán. Cụ già nói: “Những gì thuộc về biển cả hãy trả về cho biển cả”. Thế là chú cá voi được cứu sống.

Hoàng hôn buông xuống. Vị thần hiện ra hỏi: “Ngươi đã nghĩ ra chưa?”. Chàng trai trả lời: “Vâng, xin thần hãy ban cho tôi sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ; một trái tim nghĩa hiệp, dũng cảm của tuổi trẻ và một tấm lòng nhân ái, vị tha của người từng trải”.

Vị thần nói: “Hỡi chàng trai, ngươi làm ta bất ngờ đấy, bởi vì ngươi đã nhận ra những thứ quí giá nhất của cuộc đời”.

Chuyện Đồng Thoại

Người cha nọ ban đêm về nhà vẫn còn phải làm việc, nhưng cô con gái nhỏ của ông lại một mực đòi phải chơi với nó. Người cha tìm kế hoãn binh, sẵn trên bàn có cuốn tạp chí, ông bèn xé tờ giấy in hình bản đồ thế giới đưa con gái xem, đoạn tiếp tục xé thành mảnh nhỏ và bảo nó, hãy sắp xếp trở lại như cũ, ra hình hài toàn cầu, nếu đúng, cha sẽ bỏ việc, chơi với con.
Người cha hí hửng phen này đã lừa được cô con gái chưa đến tuổi mẫu giáo, nó làm sao mà nhận biết nổi năm châu bốn biển để xếp những mảnh vụn đó thành tấm bản đồ thế giới kia chứ. Nào ngờ, chưa tới 10 phút, cô bé liền nộp "bài thi", người cha kinh ngạc vì chẳng sai tí nào, trời ơi! Con gái tôi thông minh quá. Hóa ra, ở mặt sau của tấm bản đồ là hình một minh tinh điện ảnh. Xếp đúng khuôn mặt của mỹ nữ này, tất nhiên dễ dàng vô cùng, đồng thời cũng giải quyết xong đề bài cho cha.

Bất tử

Một ông già và một thiếu nữ sóng bước bên nhau.

Có một chút kỳ lạ ở họ. Họ nép mình vào nhau như thể là tình nhân, cứ như không cảm thấy khoảng cách sáu mươi năm tuổi đời của họ.

Ông già thì lãng tai. Nào có nghe rõ lời cô gái. Nàng mặc chiếc váy hakama màu hạt dẻ với một manh kimono tím trắng vẽ hoa văn mũi tên rất đẹp. Tay áo dài tha thướt. Còn ông già thì ăn mặc như một thôn nữ đang cắt cỏ trên đồng dù không quấn xà cạp. Tay áo hẹp và quần bó quanh mắt cá chân trông giống xiêm y nữ. Quanh eo lưng gầy thì áo trở nên thùng thình.

Họ băng qua sân cỏ. Một tấm lưới thép cao đứng chắn trước họ. Đôi tình nhân ấy dường như không nhận thấy rằng họ sẽ đi thẳng vào trong lưới nếu như họ cứ bước song hành. Chân họ chẳng dừng, mà đi xuyên qua tấm lưới như một làn gió xuân.

Đã bước qua rồi, cô gái mới để ý đến tấm lưới. Nàng nhìn ông già: “Shintarô, anh cũng đi xuyên lưới được à?”. Ông già không nghe nàng nói gì, chụp lấy tấm lưới thép: “Cái đồ chết tiệt này!”. Ông lay mạnh tấm lưới, đến nỗi lưới lôi ông ngã lăn kềnh. “Coi kìa, Shintarô! Sao thế này?”. Cô gái choàng tay đỡ ông đứng lên. Nàng bảo: “Buông lưới đi… ôi, anh nhẹ quá!”. Ông già cuối cùng cũng đứng dậy được, hổn hển nói: “Cám ơn em”. Ông nắm lấy tấm lưới lần nữa, nhưng bằng một bàn tay nhẹ nhàng. Đoạn, cất cao giọng theo kiểu người điếc: “Anh đã từng nhặt bóng bên tấm lưới hằng ngày. Trong suốt mười bảy năm ròng”. “Mười bảy năm là dài ư?… ngắn thôi mà”. “Người ta vụt bóng tùy thích. Bóng mà đập vào lưới thép thì gây tiếng vang khủng khiếp. Nghe mà rùng mình. Vì tiếng động đó mà anh hóa điếc. Đó là một tấm lưới thép bảo vệ cho các tay chơi bóng ở sân luyện tập. Khung lưới có bánh xe ở đáy để tiện di chuyển tới lui hay kéo sang phải, trái. Sân luyện tập và sân quần gần đó, cách nhau mấy cụm cây. Trước đây, đó là cả một cánh rừng có biết bao nhiêu là loại cây cỏ, nhưng bị đốn hạ cho đến khi chỉ còn một hàng cây lệch lạc”.

Hai người đi tiếp, bỏ xa tấm lưới phía sau. “Nghe tiếng biển reo mà nhớ bao kỷ niệm đẹp”. Muốn ông già nghe được những lời ấy, cô gái áp miệng vào sát tai. “Em nghe tiếng biển reo”. Ông già nhắm mắt lại. “Gì thế? A, Misako. Hơi thở êm dịu của em. Cứ như ngày xưa”. “Anh không nghe biển reo à? Nó không làm anh nhớ những kỷ niệm yếu dấu sao?”. “Biển… em nhắc đến biển? Những kỷ niệm yêu dấu? Biển đã dìm chết em cơ mà, làm sao mang lại những kỷ niệm yêu thương?”. “Được chứ anh. Đây là lần đầu em trở lại quê nhà sau năm mươi lăm năm trời. Và anh cũng trở về đây. Chuyện ấy đã gợi nên bao kỷ niệm”. Ông già không nghe được lời nàng, nhưng nàng cứ nói tiếp: “Em vui là em đã tự trầm mình. Chính vì thế mà em nhớ anh mãi mãi, hệt như đúng lúc em trầm mình. Hơn nữa, những kỷ niệm em có ở tuổi mười tám vẫn nguyên vậy. Anh mãi mãi trẻ trung đối với em. Và em cũng vậy đối với anh. Nếu em đã không chết đuối và rồi anh về làng hôm nay gặp anh, em đã là một bà lão. Chán lắm. Em không muốn anh nhìn thấy em như thế đâu”.

Và ông già nói. Đó là một độc thoại của người điếc. “Anh đã lên Tokyo nhưng thất bại với đời. Và giờ đây, già yếu mà quay về làng. Có một cô gái đau buồn vì chia cách, đến nỗi trầm mình trong biển. Chính vì thế anh đã xin làm ở một sân luyện tập nhìn ra biển. Van xin nài nỉ người ta nhận vào… dẫu chỉ vì thương xót”. “Mảnh đất mà ta đang đi là khu rừng mà trước đây đã từng thuộc về gia đình anh đấy”. “Anh chẳng biết làm gì ngoài nhặt bóng. Nhặt đến đau nhức cả lưng… Nhưng có một cô gái đã tự tử vì anh. Có vách đá ngay bên mình, vì thế chỉ cần đảo mình là nhảy qua nó. Anh đã từng nghĩ thế”. “Không. Anh phải tiếp tục sống. Anh chết thì còn ai trên đời nhớ đến em. Em sẽ phải chết hoàn toàn”. Cô gái dựa sát ông. Ông già không nghe được lời nàng, song ôm giữ nàng. “Thế đấy. Chúng ta cùng chết với nhau đi. Lần này… em tìm đến anh, phải không?”. “Cùng nhau. Nhưng anh phải sống. Sống vì em, Shintarô”. Nàng hổn hển khi nhìn qua vai ông. “Ôi, những cây lớn kia vẫn còn đó. Đủ cả ba… y như ngày xưa”. Cô gái đưa tay chỉ và ông già quay mắt về cụm cây lớn. “Bọn chơi quần vợt rất sợ đám cây đó. Họ bảo đốn chúng. Khi họ vụt một quả bóng, họ nói rằng nó lượn vèo về bên phải như thể bị ma lực của đám cây đó hút nó”. “Họ chết đúng hạn kỳ - trước đám cây kia. Cây thì đã hàng trăm tuổi rồi. Người chơi quần vợt nói thế mà không hiểu khoảng đời quá ngắn ngủi của con người”. “Đấy là những cây mà tổ tiên anh đã trông nom hàng trăm năm. Vì thế anh đã bắt người mua đất hứa rằng không đốn hạ chúng”. “Đi thôi”. Cô gái kéo bàn tay ông già. Họ chập chờn đi về phía đám cây ấy. Cô gái dễ dàng đi xuyên thân cây. Và ông lão cũng làm như thế. Nàng nhìn ông ngạc nhiên. “Sao? Anh chết rồi à, Shintarô? Anh? Anh chết khi nào?”. Ông không đáp lời. “Anh đã chết… phải không? Vậy sao em không gặp anh trong thế giới người chết kia chứ. Thôi thì xin anh thử đi xuyên qua cây lần nữa xem có chết thật không. Nếu như anh chết rồi thì ta đi vào cây mà ở lại đó”.

Họ biến mất vào trong cây. Ông già lẫn cô gái không trở ra nữa. Màu chiều bắt đầu trôi xuống những cây non đằng sau đám cây lớn. Bầu trời xa kia chuyển sang màu đỏ nhạt nơi trùng dương đang hát.

Kawabata Yasunari
Nhật Chiêu dịch từ tiếng Nhật