Saturday 11 July 2009

Bài thơ chưa thể đặt tên

Biết trái tim chẳng có tội gì đâu
Khi anh không thể yêu em hơn nữa
Biết chuyện chúng mình rồi sẽ thành...tan vỡ
Vẫn bất ngờ, vẫn tiếc nuối, ngẩn ngơ

Chẳng muốn tin đâu, anh đã dối lừa
Tình yêu cả tin em trao anh nồng cháy
Chẳng muốn tiếc về thời nông nổi ấy
Em bồi hồi, em vội vã, em yêu...

Hãy tha thứ nghe anh, có biết bao điều
Em không thể, và chúng mình, không thể...
Sao hôm - Sao mai, cách xa đến thế
Câu thơ này có tới được cùng anh?

Có ích gì đâu biển cứ mãi biếc xanh
Em cứ mãi yêu anh - một tình yêu... không thể !
Nắng quái chiều đang tìm về chốn ngủ
Em bé nhỏ tội tình biết trú ngụ về đâu!?

Friday 10 July 2009

Viết Cho Người Đến Trước - Viết Cho Người Đến Sau (p.2)

Viết cho người đến sau (phần 2)
Anh ấy sẽ là của em
Còn chị thành người yêu cũ.
Cả chị và anh đều không muốn thế
Nhưng số phận bọn chị phải xa nhau.

Em bây giờ thành kẻ đến sau
Nụ hôn xưa không còn nguyên vẹn nữa.
Tình yêu cho em cũng chỉ là một nửa,
Tất cả bây giờ em chỉ nhận một phần thôi

Anh ấy rất buồn khi thấy lá vàng rơi
Qua đường cũ câu thơ xưa còn thức
Em đừng giận khi người mình yêu
Khi anh ấy nghĩ về ký ức.
Chỉ một thoáng buồn còn lại tháng ngày êm.

Và khi nào anh ấy trót nhắc tên.
Chị có mặt khi lòng em không muốn
Em đừng quên kéo anh về khi chưa muộn.
Chị cũng buồn nhưng chị chẳng hờn ghen.

Chị cũng một thời yêu anh ấy như em
Cũng mong mỏi mỗi tuần ngày chủ nhật
Cũng nhớ nao lòng khi tình yêu rực cháy
Cũng thấy buồn khi phải xa nhau.

Em bây giờ chỉ là người đến sau.
Khi hạnh phúc không còn trong tay chị nữa.
Nhưng cho em trái tim anh một nửa,
Chút tình đầu anh dành cho chị ngày xưa.

Chị có nhiều lần nép gốc phượng trú mưa.
Nên trước mưa anh ấy lo cho em khỏi ướt.
Sự chăm sóc vụng về cho em biết.
Anh tìm lại kỷ niệm một thời trong bóng hình em.

Với em bây giờ chị thử nghĩ xem,
Trong tim anh chị là nơi thiêng nhất
Em xin chị đừng buồn vì sự thật.
Dẫu được người yêu bây giờ
Em cũng chỉ là người đến sau...!


Viết cho người đến trước
Em ghen thầm chị có hay không?
Bởi hai ta đều yêu anh ấy
Chị đến trước em thì thôi đành vậy
Em lỡ vô tình làm kẻ đến sau.

Chị là người hạnh phúc nhất trần gian
Anh ấy thủy chung chỉ yêu mình chị
Em có thương cũng đành mộng mị
Chỉ trong mơ người ấy mới tỏ tình

Thôi cũng đành sống với lặng thinh
Lá thư xanh giấu hoài trong ngăn tủ
Đời rộn rã riêng mình em ủ rũ
Anh ấy thật gần cũng thật xa xăm.

Thôi cũng đành buồn mãi với tháng năm
Anh vẫn vô tư kể về người yêu dấu
Và cứ mỗi lá thư xa chị gởi
Em lại buồn trong ánh mắt ai vui..

Thursday 9 July 2009

Viết Cho Người Đến Trước - Viết Cho Người Đến Sau

Viết Cho Người Đến Trước
Có thể anh ấy yêu chị nhiều hơn em
Bởi tình yêu đầu nhiều dại khờ nông nổi
Bời rung động đầu đời thường khó nói
Nhẹ nhàng thấm vào từng năm tháng qua mau

Có thể suốt đời anh ấy chẳng quên được chị đâu
Dù bây giờ anh ấy thuộc về em mãi
Nhưng vẫn còn một chút gì đọng lại
Một chút ngày xưa như nhớ như thương

Trách làm sao những lúc em giận hờn
Khi anh ấy nhắc về những ngày xưa yêu chị
XIn đừng trách em là người ích kỷ
Cũng chỉ vì em quá yêu đó thôi

Rồi ngày mai khắp nẻo đường đời
Chị có thể gặp ai kia có thể hơn anh ấy
Thì quá khứ ơi xin đừng sống dậy
Đế anh ấy sống với mình, và sống mãi với em thôi....

Viết Cho Người Đến Sau

" Chị cũng yêu anh ấy nhiều như em
Chỉ có khác chị là người đến trước
Khóc làm chi cho má hồng thấm ướt
Anh ấy vụng về chẳng biết dỗ dành đâu

Có một thời chị cũng thích giận nhau
Để đo hết yêu thương theo chiều dài giận dỗi
Để một lần chị vô tình mắc lỗi
Một lần thôi rồi mãi mãi xa nhau

Biết nói gì khi tất cả đã qua mau
Chị là quá khứ hôm qua , em là hôm nay hiện tại
Dẫu biết chẳng thể thêm một lần yêu lại
Chị vẫn quặn lòng khi đối diện tình em

Em đã có cái lâu nay chị vẫn khát thèm
Tuổi trẻ hồn nhiên gót chân mềm mới lạ
Rồi một chiều đông thay lá
Voan cưới cô dâu bay ngập trước hiên nhà

Hôm ấy vô tình chị giả bộ ghé qua
Bâng quơ ngắm cô dâu, nghẹn lòng nhìn chú rể
Em đừng quay ngang rồi chau mày như thế
Chị ấy kia kìa , chị ấy cũng đến xem

Phố cũ
Cơn mưa cũ
Ướt mèm. "

Hữu dụng và Vô dụng

Một hôm Trang Tử dẫn học trò đi ngao du, nhân lúc ghé vào nhà một người bạn để thăm. Chủ nhà tay bắt mặt mừng, nói:

- Tiếng tăm tiên sinh vang dội như sấm bưng tai. Hôm nay tiên sinh ghé thăm bỉ phu thật là vạn hạnh.

Nói rồi quay lại gọi một gia đinh, bảo:
- Hôm nay ta gặp khách quý, để mở đầu câu chuyện ngươi hãy thịt một con chim cho ta đãi khách!

Đứa ở hỏi:
- Vâng ạ! Nhưng thưa chủ nhân, có hai con chim, một con hót hay, một con không biết hót, thịt con nào?

Chủ nhân chép miệng:
- Dĩ nhiên phải thịt con chim không biết hót, thứ vô dụng đó để làm gì?

Trang Tử cùng chủ nhân ngồi nhâm nhi ly rượu với thịt chim, luận việc thế thái nhân tình, đoạn từ giã chủ nhà, dẫn học trò ra đi. Họ đến bìa rừng, thấy một tiều phu chống búa nhìn cảnh rừng núi bao la. Trước mắt lão là một cây cổ thụ. Trang Tử thấy vậy hỏi:

- Trời chiều mà chưa thấy tiều ông đẵn được cây nào. Gặp cây này cao thẳng sao ông không hạ đi?

Lão tiều thở dài nói:
- Tôi cũng muốn hạ nó, nhưng ngặt gỗ nó xốp lắm, thứ vô dụng đó đẵn mà làm gì?!

Một học trò nghe vậy, hỏi thầy:
- Cây vô dụng thì bỏ qua, con chim vô dụng thì giết. Con thật không hiểu nổi thói đời?

Trang Tử mỉm cười nói:
- Ta ở vào khoảng hữu dụng và vô dụng đó. Chỉ có bậc đạo đức mới tránh khỏi tai họa mà thôi.

Miệng lưỡi thế gian

Nhà họ Mã ngày trước chuyên nghề nuôi dạy ngựa và bán ngựa. Có một dạo gia đình ông suy sụp vì con ông bị bệnh nặng, đã vét hết tiền trong nhà mà con ông vẫn không khỏi. Ông bán hết số ngựa nuôi để thang thuốc cho con. Con ông sống được. Từ đó ông bắt đầu dành dụm, tằn tiện được một số tiền.
Ngày nọ Mã ông nghe ở Hương Lâm có bán một giống ngựa quý, ông đến nơi đó xem tướng ngựa thật kỹ, biết đó là giống ngựa hay, thuộc loại Hoàng Phiêu, mặc dù nó có phần hơi gầy. Mã ông thích quá, nên chịu mua với giá đắt. Ông về nhà bàn lại với con:
- Phụ thân xem biết nó rất quý, dù hơi gầy, thuộc giống Hoàng Tuyết Phiêu của người Khương. Nhà ta gây được giống này sẽ làm giàu không mấy hồi. Ngặt vì xa ngót ngày đường, qua đèo truông e có cướp, nên cha con ta cùng đi.

Hai cha con họ Mã thử ngựa và ngã giá xong, tra yên cương, cha con đồng lên ngựa ra về, lòng thấy hoan hỉ.

Họ đi qua một xóm nhà, Mã ông khiêm tốn cho ngựa đi nước kiệu, dân làng đón ông lại nói:
- Mã lão! Ông là người nuôi ngựa, sao không biết thương ngựa? Con ngựa gầy thế kia, còn cha con ông cọp ăn bảy ngày không hết, nỡ nào cả hai lại đè trên mình nó?

Ông Mã nói với con mình:
- Họ nói phải đấy con ạ! Vậy cha nhường cho con cưỡi. Cha cầm cương cho.

Thế là một mình Mã công tử ngồi ngựa, ông Mã đi bộ theo. Họ yên tâm đi xóm nhà khác, bây giờ trời đã khá trưa, những người ngồi mát trên đường thấy cảnh cha con họ Mã như vậy, họ kéo ra đón đầu ngựa, xỉ vả người con:
- Ai dạy công tử về cách hiếu đạo như thế? Con thì ngồi ngựa kênh kiệu, để cha chạy bộ theo đổ mồ hôi! Qua cánh đồng kia có học hiệu Khổng Môn, chắc họ đánh công tử trào máu ra mất!

Mã công tử lật đật nhảy xuống ngựa, chắp tay thưa với cha:
- Họ nói phải đấy cha ạ! Nãy giờ con cũng khỏe rồi, cha hãy cưỡi nó cho đỡ mệt!

Người cha lên ngựa đi, ngang qua "Khổng Môn học hiệu", một số học trò ở đó biết mặt ông già, chúng chạy lại đón ông nói:
- Mã lão bá! Lão bá lâu nay mạnh giỏi chứ? Nghe nói lệnh lang lâu nay bệnh thập tử nhất sinh, nay mới vừa hơi bình phục lão bá để lệnh lang nhọc nhoài cho đành.

Mã lão nhảy xuống ngựa nhìn con rồi thì thầm:
- Kể ra họ nói cũng phải. Kể không còn bao xa, ta dắt ngựa đi vậy.

Hai cha con xuống ngựa dắt bộ, hồi lâu đến xóm khác, có ai đó nhìn ngựa rồi chửi:
- Đúng là cha con một lão vô học. Đây là giống Hoàng Tuyết Phiêu, một loại thiên lý mã, mua về để cưỡi hoặc làm giống, nào phải mua về để thờ, sao có ngựa lại không cưỡi?

Cha con họ Mã thiếu điều muốn khóc. Lão nói với con:
- Cưỡi ngựa cũng bị chửi, mà không cưỡi cũng bị chửi! Ta chịu hết nổi! Thôi thả quách cho xong!

Hai người dắt đi một đoạn cho khuất mắt mọi người, rồi tháo cương, cởi yên, đánh một roi, ngựa dong tuốt vào rừng mất dạng.

Về đến nhà, bà cụ đón đầu ngõ. Ông cụ thuật lại mọi chuyện. Bà cụ nghe qua đấm vào đầu bình bịch, vừa khóc vừa nói:
- Ngu sao là ngu! Có bao nhiêu vét đi mua ngựa, rồi thả ngựa đi! Xưa nay miệng lưỡi thế gian. Việc mình mình cứ làm, chiều ý, nghe lời họ làm gì? Rồi đây lấy gì mà sinh sống, lấy gì mà cưới vợ cho con? Ngu ơi la ngu!...

Monday 6 July 2009

Bông hồng cài áo

Câu chuyện kể về một bà lão, chồng vừa mất. Bà dọn đến ở cùng hai vợ chồng người con và đứa cháu yêu quí.

Năm tháng đã bào mòn sức khoẻ của bà, đôi mắt kèm nhèm, tay lại run rẩy. Bà thường làm tung toé thức ăn trên bàn. Hai vợ chồng người con đã không giấu được vẻ khó chịu. Họ làm một cái bàn nhỏ và đề nghị bà dùng bữa tại đó.

Từ đó bà lão chỉ biết ngồi ăn một mình và nhìn những người khác trong nước mắt. Cứ thế cho đến một tối nọ, thấy con gái đang loay hoay sắp xếp đồ chơi của mình, người cha liền hỏi con:

- Này con gái cưng! Con đang xếp gì thế?

Cô bé ngây thơ nhìn cha và cười hồn nhiên:

- Con đang xếp một cái bàn nhỏ cho cha và mẹ, để cha mẹ có thể tự ăn một mình như bà khi con lớn lên!

Cha mẹ cô lặng người một lúc rồi cả hai bỗng nhìn nhau bật khóc. Đêm đó họ đã dẫn mẹ quay về chiếc bàn ăn của gia đình. Và từ đó bà đã cùng dùng bữa trong không khí đầm ấm.

Người con trai và con dâu dường như không có vẻ bực tức gì khi đôi lúc bà lại làm đổ thức ăn ra bàn.

"Nếu không biết nâng niu, quí trọng hạnh phúc từ những bông hồng còn đỏ thắm trên ngực áo bạn. Cũng đồng nghĩa với việc bạn đang gieo trồng những bông hồng trắng trong đầu óc con trẻ!".

Sự tích hoa hồng bạch

Câu chuyện này xảy ra vào thời mà những khu vườn còn ngập tràn cỏ dại, các loài hoa rất hiếm và chưa có hương thơm, còn hoa hồng chỉ có một màu đỏ thắm.

Ở một làng quê nọ, nơi một dòng sông nối liền với biển, có hai đứa trẻ chơi rất thân với nhau, cô bé có mái tóc dài đen mượt, còn tóc cậu bé màu vàng tơ. Buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời còn chưa tròn, hai đứa trẻ đã cùng nhau vui đùa trong sóng biển hay mải mê tìm kiếm những viên đá màu xanh. Buổi chiều muộn, lúc mặt trăng đã hiện dần vành vàng nhạt màu, cả hai vẫn còn ở trong rừng hái cho nhau những chùm quả dại ngọt lịm. Tháng ngày như thế trôi qua, nhưng chưa bao giờ cậu bé được nghe giọng nói của cô bé, vì cô bị câm từ thuở nhỏ. Và thay vì kể chuyện cho cô, cậu hát cho cô nghe những bài ca cuả những dân du mục thường cưỡi ngựa qua làng, những bài ca của những người đánh cá khi cả đoàn thuyền kéo về những con cá lớn, những bài ca về câu chuyện dòng sông... Hai đứa trẻ dần lớn lên, và rồi cậu bé đi học việc theo đoàn thuyền đánh cá, còn cô bé ở nhà với bố mẹ làm vườn. Cậu vẫn thường hát cho cô nghe, nhưng những sáng tinh mơ mặt trời hay những chiều tà mặt trăng không còn nữa.

Ngày cậu bé tròn mười lăm tuổi, đoàn thuyền đánh cá mở hội gia nhập cậu. Suốt một ngày sẽ vui chơi, và buổi tối các cô bé sẽ tặng cậu hoa để rồi sớm hôm sau, cậu sẽ theo đoàn thuyền ra khơi. Chiều hôm ấy, có cô bé tóc vàng con một người đánh cá đến hỏi cô phải làm gì. Và cô rủ cô bé ấy đi tìm hoa vì cô biết những khu vườn nhiều hoa đẹp nhất. Nhưng vào mùa hè nóng bỏng ấy, ánh nắng chói chang đã làm khô đi nhiều cây cối, suốt buổi chiều bọn trẻ đi rất xa mà chỉ tìm được vài bông hồng nhỏ. Khi mặt trời dần lặn, hai cô bé sợ lạc, và cô bé tóc vàng đứng lại trên con đường nhỏ đợi những bác thợ đi qua để hỏi lối về.

Còn lại một mình, cô bé tóc đen vui chạy như một cánh chim từ vườn này sang vườn khác, cô rẽ từng khóm lá, từng rặng cây để tìm chọn. Một làn gió dịu dàng, man mát bỗng đưa bước chân cô đến một vườn hoa, nơi một khóm hồng đỏ thắm như đang chờ đợi. Ôm vào ngực những nụ hồng chúm chím, cô lặng mình hôn lên những cánh hoa. Lạ kỳ làm sao, những bông hoa bỗng tỏa hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ. Vui sướng, cô nhắm mắt và thầm nghĩ "cám ơn trời, trời đã ban cho bạn những bông hoa này qua tôi", và nước mắt cô chảy dài trên má, khẽ rơi xuống những cánh hoa. Khi mở mắt, cô ngây người đi trước vẻ đẹp lạ lùng của những bông hoa. Nước mắt cô đã làm phai đi màu đỏ, những cánh hoa bên ngoài đã mang sắc trắng, và bên trong phơn phớt màu hồng. Những nụ hoa thẹn thùng, trong trắng như e ấp, dịu dàng trên ngực cô, trong vòng tay cô.

Khi cô quay trở lại, cô bé tóc vàng đã hỏi được đường về, và cả hai cùng chạy đến nhà cậu bé. Đến gần khu vườn nhà cậu, mái tóc của cô bay theo gió và vướng vào bụi gai, cô càng gỡ càng thêm rối. Đưa cho cô bé tóc vàng bó hồng, cô giữ lại cho mình một nụ hoa, nụ hoa bé nhỏ nhất. Đứng sau lùm cây, cô bé như nghe thấy tiếng hát của cậu bé, và bên những cành lá rì rào trong gió, cô tưởng tượng nụ cười thân thương của cậu, nụ cười của mặt trời những sáng tinh mơ và mặt trăng những khi chiều tà.

Nụ hồng của cô bé đã nở ngày hôm sau và bên cô luôn có hương thơm thoang thoảng. Rồi một sớm tinh mơ, khi mặt trời còn chưa tròn, cô bé đem cành hồng ra vườn trồng. Sáng sáng cô tưới chút nước và chăm sóc cho cây hồng bé nhỏ của mình. Mùa hè qua đi, mùa thu rồi hết mùa đông, khi mùa xuân đến, cô bé mừng vui thấy những nụ hồng đầu tiên chúm chím hé nở. Và dù cô bé không còn hôn lên những nụ hoa, dù nước mắt cô không bao giờ còn chảy trên những cánh hoa, thì kỳ diệu thay, những bông hồng mới vẫn mang hương thơm dịu ngọt và màu trắng phớt hồng.

Từ đó loài hoa hồng bạch ra đời.

Đen hay trắng

Khi học cấp I, có lần tôi tranh cãi kịch liệt với một cậu bạn. Thực tế tôi không nhớ chúng tôi đã cãi nhau vì cái gì, nhưng bài học ngày hôm ấy thì tôi vẫn nhớ mãi.

Khi cãi nhau, tôi khăng khăng cho rằng tao đúng, mày sai , và bạn tôi cũng nhất quyết mày sai, tao đúng!

Cô giáo tôi bắt gặp, bảo cả hai chúng tôi lên phòng giáo viên. Cô bảo mỗi đứa ngồi một bên cạnh bàn, trên bàn có một quả bóng nhựa rất lớn. Quả bóng màu đen xì. Thế mà khi cô giáo hỏi: "Em thấy quả bóng màu gì?" thì cậu bạn tôi đáp: "Thưa cô, màu trắng" .

Tôi không thể hiểu nổi nó đang nói gì. Mắt nó bị mờ hay đầu óc nó bị điên? Hay nó muốn trêu tức tôi? Thế là tôi bật lên cãi: "Màu đen chứ, đồ ngốc!".

Chúng tôi lại bắt đầu cãi nhau về màu sắc của quả bóng. Đến lúc này thì cô giáo bảo chúng tôi đổi chỗ cho nhau. Lần này khi cô hỏi tôi: "Quả bóng màu gì?", tôi đành phải trả lời: "Màu trắng ạ" . Bởi quả bóng đó được sơn hai màu khác nhau ở hai phía. Từ chỗ tôi ngồi ban đầu thì nó màu đen, còn chỗ bạn tôi thì nó màu trắng. Vậy mà chúng tôi đã gân cổ cãi nhau vì một điều mà cả hai đều chắc chắn cho là mình đúng mà không biết tại sao người kia nói ngược lại ý kiến của mình.

Đừng bao giờ tự cho mình là hoàn toàn đúng. Bạn phải đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của người khác để đánh giá sự việc, tình huống trong cuộc sống theo quan điểm của chính họ thì mới có thể thật sự hiểu họ được.

Sunday 5 July 2009

Ngập ngừng - Hồ Dzếnh

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! Tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách -- cố nhiên -- nhưng rất nhẹ!
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Em bảo anh đi đi

Em bảo anh đi đi
Sao anh không đứng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay

Ôi lời nói gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em

Những chuyện buồn qua đi
Xin anh không nhắc lại
Em ngu ngơ vụng dại
Anh mơ mộng viển vông

Đời sống nghiệt ngã không
Cho chúng mình ấm mộng
Thôi thì xin gửi sóng
đưa tình về cuối sông .

Giữa hai chiều Quên Nhớ - Bùi Sim Sim

Chưa đủ nhớ để gọi là yêu
Chưa đủ quên mà thành xa lạ
Anh ám ảnh em hai chiều nghiệt ngã
Nghiêng bên này lại chống chếnh bên kia

Ngôi sao nào thổn thức giữa trời khuya
Dịu dàng quá đỗi lời thì thầm của gió
Ngủ ngoan thôi, ngọn cỏ mềm bé nhỏ
Biết đâu chừng thiên sứ đến vây quanh

Trái tim đa mang chở tình yêu tròng trành
Quên với nhớ lắc lư nhịp sống
Anh là gì giữa bốn bề vang vọng
Em nghẹn lòng khi thốt gọi thành tên!

Bài Thơ Đôi Dép

Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nổi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nữa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia xẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiểng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia

Bé ơi - Hoài Châu

Anh biết ngày mai bé ra đi,
Mà anh chẳng dám nói năng gì,
Cũng không dám ra đưa tiễn Bé,
Bé ơi! buồn lắm ... nhớ người đi.

Bé có nhớ không buổi ban đầu,
Tình cờ hai ánh mắt giao nhau
Từ đó dáng yêu kiều của Bé,
Xâm chiếm tim anh tựa phép mầu.

Bé ơi! đôi mắt Bé lạ lùng,
Mịt mùng như bóng tối đêm đông,
Long lanh hơn ngàn vì sao sáng,
Mượt mà tha thướt tựa dòng sông.

Bé có biết chăng lúc Bé cười,
Chính là khi Bé khiến anh vui,
Bé là thiên thần hay ma quái,
Mà khiến hồn anh cứ chơi vơi.

Anh chưa dám tặng Bé bài thơ,
Sợ Bé chưa biết cảm bao giờ,
Rồi những ý thơ anh mê muội,
Sẽ làm vương vấn tuổi ngây thơ.

Chắc số anh là số đơn côi,
Nên chi cứ lận đận suốt đời,
Tưởng đâu được yên bình yêu Bé,
Ai ngờ trắc trở vẫn không thôi.

Ông tơ, bà nguyệt rõ trái ngang,
Tơ xe không khéo để lỡ làng,
Biết rồi, khổ lắm, Bé còn ... bé!
Để anh về lòng trống trải thênh thang.

Anh căm ánh mắt của loài người,
Anh ghét đời khéo lẻo đôi môi,
Anh trách nhà Bé sao nghiêm khắc,
Để anh và Bé cứ đơn côi.

Thế nên mỗi gặp, mỗi nôn nao,
Mà anh chẳng dám bước qua chào,
Chỉ dám tìm nhau qua ánh mắt,
Bé ơi, mình mãi thế hay sao!

Rồi từng chủ nhật cứ qua mau,
Anh nuôi hy vọng cứ khẩn cầu.
Còn Bé chỉ nhìn anh không nói,
Giời ạ! phải đợi đến bao lâu.

Thấy không anh sắp mất Bé rồi,
Ngày mai thiếu Bé ... nhớ ... chao ôi!
Chưa được một lần vui bên Bé,
Mà giờ hai đứa sắp hai nơi!

Anh vẫn biết rằng Bé phải đi,
Nên anh chẳng dám oán than gì,
Chỉ buồn chưa ngỏ lời cùng Bé,
Mà giờ lại ôm hận chia ly.

Bài thơ tiễn Bé chỉ thế thôi,
Bao nhiêu tâm ý góp thành lời,
Nếu Bé có hiểu lời anh ngỏ,
Xin nhớ về anh một chút thôi.

Vancouver chiều thu không nắng,
Bé đi rồi hoang vắng không gian
Phố buồn anh bước lang thang,
Thiếu đôi mắt Bé ngút ngàn nhớ thương.

Nỗi niềm người thứ ba - Hoa mộc miên

Chẳng thể ngờ em lại là người thứ ba
Trên con đường tình yêu của anh
vốn quá nhiều ngả rẽ
Chẳng thể ngờ em lại yêu anh đến thế
trái tim đớn đau khắc khoải đợi chờ .

Hình bóng anh hiện về trong mỗi đêm mơ
Nước mắt em ướt đẫm trang đời không cổ tích
Hạnh phúc phải đâu có được từ giành giật
Hạnh phúc là khi biết dâng hiến, hi sinh.

Em dành cho anh trọn vẹn hết yêu tin
Khát khao đắm say chẳng ngờ mình nông nổi
Ước muốn bên anh lại là điều có lỗi
Với một người vẫn đợi anh ở phía bên kia

Em không muốn tình yêu của mình bị sẻ chia
Làm sao có thể đòi được sẻ chia từ người con gái khác
Tình yêu trong em dẫu chưa hề phai nhạt
Vẫn xin dừng lại nơi ngả rẽ . Anh đi.

Lời cuối - Hoa mộc miên

Thôi mình chia tay anh nhé
Lời yêu đừng nói làm gì
Kỉ niệm hẹn hò xưa cũ
Thôi anh hãy cứ quên đi!

Em không trách anh lầm lỗi
Đời ai chả có một lần
Nhưng em không thể tha thứ
Khi anh không yêu chân thành .

Trước em... em không biết nữa
Đời anh bao người từng qua
Em chẳng bao giờ hỏi đến
Bởi kí ức đã rất xa .

Em là một người con gái
Mong được yêu như bao người
Dễ tin vào lời anh nói
" Duy nhất có em mà thôi !"

Nhưng đời không đơn giản thế
Hạnh phúc mong manh vô cùng
Trái tim vốn đa mang lắm
Tránh sao những phút yếu lòng

Anh vẫn thương người yêu cũ
Em thành con ngốc của đời
Hận anh đã không dám nói
Với em dù chỉ một lời

Thôi mình chia tay anh nhé
Tim em lệ ứa âm thầm
Em đã không thể tha thứ
Dù em vẫn rất yêu anh!

Paris Có Gì Lạ Không Em?

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em ?

Em có đứng ở bên bờ sông ?
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng

Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
Mỗi lần tan một chút sương sa
Bao giờ sáng một trời sao sáng
Là mắt em nhìn trong gió đưa ...

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay

Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vừng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em ?

Anh sẽ đàn những phím tơ trùng
Anh đàn mà chả có thanh âm
Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
Để lúc xa vời đỡ nhớ nhung

Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen ?...

Tuổi Thần Tiên

Có "người lớn" gọi em là nhỏ
Nhỏ từ chân cho đến đỉnh đầu
Thảo nào mỗi lúc em ra phố
"Người lớn" thường hộ tống đi sau

Có người lớn gọi em là bé
Bé tí teo như lúm đồng tiền
Thảo nào mỗi lúc em cạn túi
"Người lớn" thường mời bé ăn kem

Có người lớn gọi em là nhóc
Nhóc từ hiên lớp đến hiên đời
Thảo nào mỗi lúc em gần khóc
"Người lớn" thường cảm động cong môi .

Nhưng này nhé cái ông "người lớn"
Tim em mang ba hạt dẻ thần
Dại gì hô "biến" bằng bùa phép
Lớn đầu, khản cổ gọi thanh xuân !

Café Tay - Hoài Châu

Mưa bão ở đâu kéo nhau về,
Làm cho buổi tối ướt lê thê,
Góc quán tôi chống cằm mê mải,
Nhìn mưa giăng mắc, đợi cà phê...

Cà phê ai khẽ đặt xuống bàn,
Kéo tôi ra khỏi cõi mê man,
Cúi nhìn giọt cà phê đen lánh,
Lòng tôi chợt thoáng chút hoang mang.

Ai có bàn tay đẹp như hoa,
Mịn màng như lụa, trắng như ngà,
Nho nhỏ xinh xinh như tháp bút,
Ôi! Tôi chợt hiểu gã Kinh Kha,

Một nỗi khát khao bỗng thoáng qua,
Khơi dậy trong tôi thói gian tà,
Giả vờ buồn bã tôi chép miệng,
Thở dài lên tiếng khẽ xuýt xoa:

"Tối nay sao mưa gío thật buồn?!
Làm cho cả nhân thế buồn luôn...
Phải chi được tay ai khuấy giúp,
Ly cà phê chắc sẽ ...vui hơn."

Nhìn theo năm ngón ngọc thon thon,
Khuấy cho hồn vía tôi quay tròn,
Chao ơi! Ly cà phê ai khuấy,
Sao chưa uống thử đã thấy ngon.

Bàn tay ấy đã bỏ đi rồi,
Chỉ để lại tách cà phê thôi,
Tôi ngây ngô nhấp từng ngụm đắng,
Mà nghe ngọt lịm cả đôi môi...

Đường khuya tôi lững thững trở về,
Quên rằng mưa gió vẫn lê thê,
Đâu biết gío mưa đang kinh ngạc,
Nhìn tôi cười như kẻ ngủ mê.

Thế rôì mỗi tối có mưa bay,
Tôi lại tìm ra góc quán này,
Lặng lẽ ngồi chờ bàn tay ấy,
Để thầm gọi nhỏ "Cà phê tay".